Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Khái niệm phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh

  Sau cuộc cách mạng xanh, phẩn bón hóa học đã làm năng suất cây trồng tăng một cách nhanh chóng. Ngoài lợi ích mà nó mạng lại thì những ảnh hưởng xấu của nó cũng dần dần thể hiện lên hệ thống sinh thái nông nghiệp gây ô nhiễm nước, đất đai và không khí.


Việc bà con lạm dụng phân bón hóa học đã làm dư thừa phân bón ngoài việc đầu độc đất, ô nhiễm nước, không khí, năng suất chất lượng cây trồng giảm sút thì còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người và động vật.

     Trước những ảnh hưởng xấu của phân bón hóa học mạng lại, con người đã nhận thức được và đã tìm kiếm một phương pháp mới canh tác có hiệu quả hơn thay thế phân bón hóa học. Và , phân bón hữu cơ vi sinh  được các nhà khoa học phát hiện và ứng dụng đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Đây là một giải pháp tuyệt vời, không những đảm bảo được năng suất mà còn nâng cao chất lượng đảm bào an toàn với sức khỏe con người, động vật và thân thiện với môi trường.

     Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa học và nhà nông bởi những lợi ích mà nó mang lại như cải tạo, duy trì cho đất canh tác, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng phân bón hóa học, cung cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng khoáng đa, trung, vi lượng cho cây trồng phát triển bền vững và năng suất cao, nhất là đối với định hướng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững nói không với phân bón hóa học của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

I.Vậy phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh là gì?

     Phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh là những sản phẩm phân bón hữu cơ có chứa từ một hoặc nhiều các loại vi sinh vật có ích, được chế biến bằng cách pha trộn và xử lý các nguyên liệu hữu cơ bằng cách lên men với các loại vi sinh vật đó, với mục đích tiêu diệt các mầm bệnh có trong nguyên liệu và nâng cao hàm lượng chất dinh dưỡng chứa trong phân bón đê cung cấp cho cây trồng.

II.Cách thức hoạt động của phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh như thế nào?

     Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh có hiệu quả cao trong việc cung cấp các dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cho cây trồng, cho đất theo nhiều cách khác nhau nhưng ổn định và thân thiện với môi trường.

Ngoài việc cung cấp trực tiếp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh còn cung cấp thúc đẩy hệ vi sinh vật đất hoạt động giúp phân giải những chất khó hấp thu thành chất dễ hấp thu, chuyển đổi nitơ trong không khí thành dạng cây trồng hấp thu được, sản sinh ra một số chất có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của cây trồng, phân hủy chất hữu cơ hay các độc tố trong đất,…

Nó còn giúp duy trì độ phì của đất, cung cấp một lượng lớn mùn cho đất và làm thức ăn cho hệ vi sinh vật đất, tiêu diệt hay ức chế các mầm bệnh tồn tại trong đất, cung cấp một số chất kháng sinh kích thích khả năng miễn dịch của cây giúp hạn chế sâu bệnh hại giảm lượng thuốc BVTV.

III.Ưu điểm của phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh là gì?

  • Có công dụng cải tạo đất, duy trì, nâng cao độ phì, màu mỡ cho đất canh tác một cách lâu dài và bền vững.
  • Cách sử dụng đơn giản, không sợ cây chết, không lo đất bị thoái hóa hay chua hóa, phèn hóa,…
  • Cung cấp đủ các dưỡng chất đa lượng, trung lượng, vi lượng thiết yếu cho cây mà phân bón hóa học không có.
  • Có thể sử dụng cho tất cả các thời kỳ, giai đoạn của cây: trồng mới, ra hoa, nuôi quả,…
  • Tăng hiệu lực hấp thu các chất dinh dưỡng bằng cách cung cấp các vi sinh vật phân giải những chất kho hấp thu (khó tan, khó tiêu) thành chất dễ hấp thu (dễ tan, dễ tiêu), hay vi sinh vật cố đinh đạm,…
  • Cung cấp, bổ sung và thúc đẩy hệ vi sinh vật đất phát triển, hoạt động, tăng sức đề kháng của cây giúp hạn chế sâu bệnh, giảm lượng thuốc BVTV, từ đó nâng cao chất lượng của sản phẩm.
  • Thân thiện với hệ sinh thái và an toàn với con người và động vật.

IV.Phân bón hữu cơ, sinh học có những loại nào?

1.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh cố đinh đạm

     Là những loại phân bón có chứa các vi khuẩn hay các vi sinh vật có khả năng cố đinh nittơ từ không khí thành dạng cây trồng có thể sử dụng và dễ hấp thu. Vi sinh vật có định đạm có hai kiểu:

     Vi sinh vật cố định đạm tự do là những vi sinh vật sống tự do có khả năng cố đinh đạm trong đất mà không cần vật chủ. Một số loại vi sinh vật cố định đạm được đưa vào phân bón  như Azotobacter, Clostridium,…

     Vi sinh vật cố đinh đạm cộng sinh là những vi sinh vật cố định đạm phải cần vật chủ là cây trồng để cộng sinh như Rhizobium cộng sinh với cây họ đậu, Anabaena azollae cộng sinh với bèo hoa dâu hay tảo lục,….

     Ngoài ra, còn có một số loại vi khuẩn có khả năng vừa cố định đạm công sinh vừa cố định đạm tự do như Azospirillum,…

2.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh phân giải lân

     Gồm những sản phẩm phân bón hữu cơ chứa các vi sinh vật có chứa có khả năng phân giải lân dưới dạng khó tan trong đất thành lân dưới dạng dễ tan để cây trồng hấp thu và sử dụng được.

Cơ chế của việc phân giải lân của vi sinh vật là bằng việc hạ pH đất khi tiết ra các chất acid hữu cơ khi đó làm các cấu trúc liên kết photphat bị phá vỡ. Một số vi sinh vật phân giải lân được sử dụng như vi khuẩn Bacillus megatherium, Bacillus subtilis, Pseudomonas,… hay một số loài nấm như Aspergillus, Penicilium spp.

3.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh phân giải kali/ silic

     Là những sản phẩm phân bón hữu cơ chứa các vi sinh vật có khả năng phân hủy các hợp chất chứa silic, kali như silicat… để giải phóng kali và silic dưới dạng ion cho cây trồng dễ hấp thu. Các chủng vi sinh vật được ứng dụng như Bacillus circulans, B. subtilis, Pseudomonas striata,…

4.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh phân giải chất hữu cơ/ cellulose

     Chứa các vi sinh vật có khả năng phân hủy các chất hữu cơ, xác bã thực vật, các loại phân chuồng tươi như cellulose, kitin,…gồm các loại như Bacillus, Streptomyces, Trichoderma,…

5.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh ức chế các vi sinh vật gây bệnh

     Chứa các vi sinh vật có khả năng ký sinh, đối kháng hay tiết ra các chất có tác dụng ức chế hay kìm hãm các loại vi sinh vật gây bệnh hại như nhóm Bacillus sp. Pseudomonas striata, Beauveria..…

6.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh cung cấp dinh dưỡng khoáng vi lượng

     Có chứa các loại VSV như nhóm Bacillus sp. ,…với khả năng hòa tan Si, Zn… cho cây dễ hấp thu

7.Phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh sản xuất các chất kích thích sinh trưởng

     Chứa nhóm vi sinh vật (nhóm Azotobacter, Pseudomonas, Gibberella fujikuroi,…) có khả năng tiết ra các chất kích thích sinh trưởng như Giberrillin, Auxin,…vào môi trường. Các vi sinh vật này cũng có vai trò như thuốc trừ sâu sinh học bảo vệ cho cây trồng.

     Hiện nay, nhiều công ty phân bón đã sản xuất ra những loại phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh kết hợp tổng hợp nhiều chủng vi sinh vật vào một loại phân bón. Có nghĩa là trong một loại phân bón có thể vừa có vi sinh vật cố định đạm, vsv phân giải lân, kali, vsv phân hủy chất hữu cơ,….

V.Một số yếu tố gây ảnh hưởng đến hiệu quả  của phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh:

     Thuốc BVTV, các loại hóa chất độc hại đều đều độc hại với vi sinh vật, có thể tiêu diệt hoặc ức chế các vi sinh vật có lợi làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phân bón sinh học, vi sinh.

     Phân bón hóa học bón dư thừa hay bón không đúng cách, trong thời gian dài phân hóa học cũng có những tác động không tốt đến hệ vi sinh vật.

     Nhiệt độ thích hợp để vsv phát triển là từ 25-35 độ C, ẩm độ cao.Đất chua, đất phèn, mặn đếu có tác động không tốt cho sự hoạt động của vsv. Thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, trao đổi chất và cấu trúc màng tế của vi sinh vật gây ức chế hay giết chết vsv.

VII.Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học vi sinh như thế nào?

Gồm một số bước quan trọng như sau:

Đầu tiên: phải lựa chọn các chủng vi sinh vật để quyết định loại vi sinh vật nào sẽ có trong phân bón.

Bước hai: là phân lập và tuyển chọn VSV.

Bước ba: lựa chọn vật liệu và phương pháp lên men để chuẩn bị tạo ra một lượng lớn VSV đê đưa vào phân bón. Bước này có ý nghĩa lựa chọn những VSV có tính ưu việt nhất và nhân sinh khối chúng lên.

Bước thứ tư: là lựa chon môi trường lên men để nhân sinh khối, là bước tìm ra điều kiện cho VSV sinh trưởng nhanh và mạnh nhất và phù hợp với các điều kiện sử dụng phân bón ngoài cánh đồng.

Bước năm:Đem vào xây dựng và thử nghiệm sản xuất.

Bước thứ sáu: là thử nghiệm rộng rãi trên quy mô lớn ở các điều kiện khác nhau để phân tích hiệu quả khi áp dụng vào thực tế sản xuất.

VIII.Các sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh như thế nào?

     Liều lượng và cách sử dụng phân bón tùy thuộc vào loại phân (mật độ, chủng loại vsv, hàm lượng dinh dưỡng,…), đặc điểm cách tác, loại cây trồng, thời tiết khí hậu.

Lưu ý: khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh nên hạn chế tối đa hoặc không sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học, các loại hóa chất độc hại vì có thể làm ức chế sự hoạt động hoặc tiêu diệt các vi sinh vật trong phân bón, làm giảm hiệu quả của phân.

Lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

Lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không những làm cho nông dân tăng chi phí mà còn hệ lụy đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm ô nhiễm môi trường, không đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp.

Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.

1
Mỗi vụ lúa, trung bình người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 đến 7 lần

 

Số lượng phân bón bị rửa trôi mà cây không hấp thụ được chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm đất. Một số loại phân bón có tồn dư axít làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất. Có một thực trạng nữa là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, đúng liều lượng, sử dụng loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, đang làm phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường. Thực trạng sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV không đúng, vừa làm tăng chi phí sản xuất, vừa ảnh hưởng đến môi trường và dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những cánh đồng lúa của huyện Điện Biên là nơi người nông dân thường xuyên dùng thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong mỗi mùa vụ. Thuốc bảo vệ thực vật được phun phòng chống sâu bệnh trên đồng ruộng ở nhiều thời điểm khác nhau: Phun trừ cỏ trước khi cấy lúa; phun phòng chống sâu bệnh hại khi lúa mới cấy khoảng 15 – 20 ngày, phun thuốc khi lúa trổ đòng, khi lúa phơi màu và phun thuốc bảo vệ khi bông lúa uốn câu.

Người ta còn phun trừ rầy nâu trước khi gặt khoảng 1 tuần. Mỗi vụ lúa, trung bình người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 đến 7 lần. Không hiểu nhiều về phản ứng của các chất hóa học độc hại, nhiều hộ gia đình còn tự mua các loại thuốc khác nhau, pha chế vào cùng một bình để phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Thanh Luông cũng là xã trồng nhiều rau màu. Có nhiều khu vực chuyên canh trồng rau. Rau màu là loại cây trồng ngắn ngày, một năm người nông dân có thể trồng nhiều vụ. Để tăng vụ và kích thích quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rau, bà con nông dân thường sử dụng các loại phân bón hóa học. Hầu như họ không chú ý tới sự thoái hóa của đất đai cũng như việc bảo vệ đất cho sản xuất lâu dài.

Ở tỉnh Điện Biên do địa hình, địa chất chia làm các khu vực đất đai có tính chất khác nhau. Mỗi loại đất đều chứa đựng trong đó các nguyên tố hóa học cần thiết cho đời sống cây trồng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một gram đất bất kỳ nào cũng đều chứa ít nhất trên 30 nguyên tố hóa học. Bà con nông dân muốn canh tác lâu dài, bền vững, cần bổ sung các khoáng chất cho đất. Trong quá trình canh tác, không chú ý tới điều này sẽ làm cho đất nghèo dinh dưỡng, cây mất sức đề kháng, sâu bệnh hoành hành dẫn đến mùa màng bị ảnh hưởng.

Sử dụng phân hữu cơ và bón phân cho cân đối là biện pháp tốt nhất để bổ sung dưỡng chất cho đất. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bà con nông dân lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng cho cây trồng đang khá phổ biến. Tình trạng này, đã và đang làm thoái hóa đất, cạn kiệt dinh dưỡng và làm biến đổi tính chất vật lý của đất. Các nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta bón dư đạm vào đất dẫn đến đất bị giảm nguyên tố đồng. Nếu bón dư lân dẫn đến thiếu kẽm. Nếu bón dư Kali sẽ bị đồng hóa Magie và Bo. Nếu bón dư vôi thì dẫn đến tình trạng giảm sắt và Mangan làm cây mất đề kháng, ô nhiễm đất và nước. Sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật còn gây ra những tác động không tốt đối với sâu bệnh hại mùa màng.
 
Yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện nay là xây dựng môt nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Để thực hiện được yêu cầu này, bà con nông dân cần phải nắm vững kỹ thuật canh tác và kiến thức về sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Đây không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, mà còn giúp bà con nông dân sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đem lại thu nhập cao. Vậy bà con phải sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho đúng cách.

1
Sản xuất theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều mà bà con nông dân cần hướng đến

 

Sản xuất theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều mà bà con nông dân cần chú ý. Để bà con dễ nắm bắt, ngành nông nghiệp đã xây dựng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Với phân bón hóa học, nguyên tắc 4 đúng là: Sử dụng đúng loại; đúng liều; đúng lúc và đúng cách. Đúng loại có nghĩa là bà con cần sử dụng đúng loại phân cho từng giai đoạn phát triển cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Sử dụng phân bón đúng liều, đúng lượng, tỷ lệ các loại phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tùy thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp. Bón phân đúng lúc là bón đúng thời điểm cây trồng yêu cầu. Còn bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng dưỡng chất được cung cấp.

Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là: Sử dụng đúng thuốc;  đúng nồng độ, liều lượng; phun thuốc đúng lúc và phun đúng cách. Việc sử dụng nguyên tắc 4 đúng trong chăm sóc, bảo vệ mùa màng, không chỉ giảm tối đa chi phí cho sản xuất, mà còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là yêu cầu sản xuất của một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng đến.